Thuốc Lisonorm

0
367
Lisonorm
Rate this post

AzThuoc.com chia sẻ bài viết về: Thuốc Lisonorm công dụng, tác dụng phụ – liều lượng, Thuốc Lisonorm điều trị bệnh gì. BÌNH LUẬN cuối bài để biết: Mua bán Thuốc Lisonorm ở đâu? giá bao nhiêu? Vui lòng tham khảo các chi tiết dưới đây.

Lisonorm

Lisonorm
Nhóm thuốc: Thuốc tim mạch
Dạng bào chế:Viên nén
Đóng gói:Hộp 30 viên

Thành phần:

Amlodipine besilate, Lisinopril dihydrate
Hàm lượng:
5mg Amlodipine; 10mg
SĐK:VN-13128-11
Nhà sản xuất: Gedeon Richter Plc. – HUNG GA RY
Nhà đăng ký: Gedeon Richter Plc.
Nhà phân phối:

Chỉ định:

– Điều trị tăng huyết áp vô căn.
– Trị liệu thay thế cho các bệnh nhân mà có huyết áp được kiểm soát bằng lisinopril và amlodipine dùng đồng thời với mức liều tương đương.

DƯỢC LỰC

Lisinopril:
Lisinopril là thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin có tác dụng làm giảm nồng độ angiotensin II và aldosterone huyết tương, nhưng làm tăng nồng độ bradykinin huyết tương – là chất gây giãn mạch. Thuốc làm giảm sức kháng mạch ngoại biên và huyết áp hệ thống. Những thay đổi này có thể kèm theo sự tăng cung lượng tim trong khi tần số tim không đổi và tăng lưu lượng máu qua thận. Ở người bệnh có glucose máu cao, lisinopril góp phần phục hồi chức năng nội mô đã bị tổn thương.
Tác dụng chống tăng huyết áp của lisinopril thường đạt được vào khoảng 1 giờ sau khi uống và đạt nồng độ đỉnh sau 6 giờ. Thời gian tác dụng kéo dài 24 giờ tùy thuộc liều dùng. Khi ngừng lisinopril đột ngột, tác dụng đảo nghịch (tăng huyết áp) là không đáng kể.
Mặc dù tác dụng chính của lisinopril có được là do tác động trên hệ renin-angiotensin-aldosterone, nhưng lisinopril cũng có hiệu quả trên người bệnh tăng huyết áp mà có hoạt tính của renin huyết tương thấp.
Ngoài tác dụng hạ huyết áp trực tiếp, lisinopril còn làm giảm albumin niệu nhờ điều hòa tình trạng huyết động và cấu trúc mô của cầu thận. Trong những nghiên cứu có kiểm soát thực hiện trên người bệnh đái tháo đường, không thấy có sự thay đổi nào về glucose máu, không tăng tần suất cơn hạ glucose máu.
Amlodipine:
Amlodipine là thuốc ức chế kênh calci thuộc nhóm dihydropyridine. Amlodipine ức chế dòng calci đi vào tế bào cơ tim và tế bào cơ trơn mạch máu bằng cách ngăn chặn các kênh ion calci chậm ở màng tế bào. Amlodipine làm giảm sức căng của cơ trơn tiểu động mạch, qua đó làm giảm sức kháng mạch ngoại biên, nên giảm áp lực máu hệ thống.
Amlodipine làm giảm đau thắt ngực do làm giãn tiểu động mạch ngoại biên và giảm hậu tải tim. Những tác động này không kèm theo nhịp tim nhanh phản xạ, do đó làm giảm nhu cầu của cơ tim về oxy và năng lượng. Amlodipine có thể làm giãn mạch vành tim (động mạch và tiểu động mạch), tác dụng này cải thiện nguồn cung cấp oxy cho cơ tim, cả ở vùng lành cũng như vùng bị thiếu máu.
Dùng amlodipine với liều một lần mỗi ngày làm giảm huyết áp trong suốt 24 giờ ở người bệnh tăng huyết áp, cả ở tư thế nằm và tư thế đứng. Do tác dụng khởi phát chậm nên không gây ra tình trạng tụt huyết áp cấp tính.
Tác dụng ức chế kênh calci làm giãn động mạch kèm theo tình trạng giữ natri và nước.
Hoạt hóa bù hệ renin-angiotensin-aldosterone (RAAS) có thể xảy ra, do đó cơ chế điều hòa ngược kích hoạt bởi các thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin có thể góp phần vào sự phục hồi những đáp ứng sinh lý đối với tình trạng gia tăng lượng muối đưa vào.
DƯỢC ĐỘNG HỌC
Lisinopril:
Lisinopril đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 6 giờ sau khi uống; sinh khả dụng khoảng 29%. Khác với các thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin, lisinopril không gắn kết với các protein huyết tương. Lisinopril không bị chuyển hóa trong cơ thể và được bài tiết vào nước tiểu dưới dạng không đổi. Thời gian bán thải khoảng 12,6 giờ. Phần không gắn kết protein bị thải trước, tiếp đến là phần gắn kết với enzym chuyển đổi angiotensin bị thải với tốc độ chậm hơn, kết quả là kéo dài được tác dụng chống tăng huyết áp.
Đào thải lisinopril sẽ kéo dài ở người bệnh suy thận, vì vậy có thể cần phải giảm liều. Có thể loại trừ lisinopril ra khỏi huyết tương bằng thẩm tách lọc máu.
Amlodipine:
Sau khi uống, amlodipine được hấp thu chậm và hầu như hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Sự hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ đỉnh trong huyết tương (Cmax) đạt được sau 6 giờ đến 10 giờ. Sinh khả dụng của amlodipine là từ 64% đến 80%; thể tích phân bố khoảng 20 l/kg. Trong tuần hoàn hệ thống, khoảng 95% đến 98% amlodipine gắn kết với protein huyết tương. Amlodipine được chuyển hóa mạnh qua gan thành chất không có hoạt tính. Khoảng 10% chất mẹ và 60% chất chuyển hóa được bài tiết vào nước tiểu. Amlodipine đào thải theo 2 pha, trong đó, thời gian bán thải pha cuối khoảng 30-50 giờ. Thuốc đạt nồng độ ổn định trong huyết tương sau 7 ngày đến 8 ngày điều trị liên tục. Ở gan, amlodipine bị chuyển hóa thành dạng không còn hoạt tính. Chất bất hoạt này và 10% chất mẹ được bài tiết qua nước tiểu. Amlodipine không bị loại khỏi huyết tương bằng thẩm tách.
Thời gian để đạt nồng độ đỉnh huyết tương (tmax) của amlodipine là tương tự ở nhóm người cao tuổi so với ở người trẻ tuổi. Ở người cao tuổi, thanh thải amlodipine có khuynh hướng thấp hơn, dẫn đến tăng AUC và thời gian bán thải. Khi dùng liều amlodipine giống nhau cho người cao tuổi và người trẻ tuổi, nhận thấy có sự dung nạp tốt như nhau, nên có thể dùng phác đồ liều thông thường cho người cao tuổi.
Thời gian bán thải của amlodipine kéo dài ở người bệnh suy gan.
Ở người bệnh suy chức năng thận, sự thay đổi về nồng độ huyết tương của amlodipine không liên quan đến mức độ suy thận.
Phối hợp với liều cố định:
Không nhận thấy có tương tác dược động học giữa các hoạt chất của Lisonorm. Những thông số dược động học của Lisonorm (như AUC, Cmax, tmax, thời gian bán thải) không khác biệt so với những thông số của từng thành phần riêng biệt.
Sự hấp thu Lisonorm qua đường tiêu hóa không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Liều lượng – Cách dùng

Liều khuyến cáo là 1 viên mỗi ngày. Liều tối đa là 1 viên mỗi ngày. Thức ăn không có ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc nên có thể dùng thuốc trước, trong hoặc sau bữa ăn.
Với người bệnh suy thận:
Để tìm được liều khởi đầu tối đa và liều duy trì cho người bệnh suy thận, các bệnh nhân cần được chuẩn độ liều bằng lisinopril và amlodipine dùng riêng rẽ.
Thuốc chỉ được dùng cho các bệnh nhân có liều duy trì tối ưu là 10 mg lisinopril và 5 mg amlodipine sau khi chuẩn độ.
Cần theo dõi chức năng thận, mức kali và natri huyết thanh trong quá trình điều trị bằng Thuốc. Khi chức năng thận giảm sút đi thì cần ngừng dùng Thuốc và thay bằng điều trị từng thành phần riêng rẽ đã được định liều đầy đủ.
Với người bệnh suy gan:
Quá trình đào thải amlodipine có thể kéo dài ở người bệnh suy gan, do đó, không xác định được liều khuyến cáo chính xác cho những đối tượng này. Cần thận trọng khi dùng Thuốc cho người bệnh suy gan.
Dùng thuốc cho trẻ em và trẻ vị thành niên:
Không khuyến cáo dùng Thuốc cho người dưới 18 tuổi do chưa đủ dữ liệu về độ an toàn và hiệu lực của thuốc cho đối tượng này.

Người trên 65 tuổi:
Trong các nghiên cứu lâm sàng, không thấy có thay đổi về hiệu lực và độ an toàn của amlodipine hoặc lisinopril liên quan tới tuổi. Liều duy trì tối ưu cho người cao tuổi cần được chuẩn độ cho từng người bệnh bằng cách kết hợp tự do lisinopril và amlodipine. Chỉ được dùng Thuốc cho các bệnh nhân mà liều duy trì tối ưu là 10 mg lisinopril và 5 mg amlodipine sau khi chuẩn độ.
QUÁ LIỀU
Quá liều có thể gây giãn mạch ngoại biên quá mức kèm theo hạ huyết áp rõ rệt, sốc tuần hoàn, rối loạn điện giải, suy thận, thở quá nhanh, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, nhịp tim chậm, chóng mặt, lo âu và ho.
Cần điều trị triệu chứng (đặt người bệnh nằm ngửa, theo dõi chức năng tim và hỗ trợ tim nếu cần, theo dõi huyết áp, cân bằng dịch/điện giải). Nếu xảy ra hạ huyết áp trầm trọng, phải kê chân cho cao. Nếu truyền dịch không đem lại hiệu quả thích hợp, có thể điều trị hỗ trợ bằng cách sử dụng thêm các thuốc co mạch ngoại biên, trừ khi có chống chỉ định. Có thể cân nhắc truyền angiotensin II. Truyền dịch tĩnh mạch calci gluconate có thể có ích để đảo ngược tác dụng ức chế kênh calci.
Vì sự hấp thu amlodipine chậm, rửa dạ dày đôi khi cũng có ích.
Có thể loại lisinopril ra khỏi tuần hoàn hệ thống bằng phương pháp thẩm tách lọc máu. Tuy nhiên do amlodipine gắn kết mạnh với protein huyết tương, nên thẩm tách chưa chắc có hiệu quả để loại trừ chất này.

Chống chỉ định:

– Quá mẫn cảm với lisinopril hoặc với bất kỳ thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin (ACE).

– Quá mẫn cảm với amlodipine hoặc bất kỳ dẫn xuất của dihydropyridine.

– Quá mẫn cảm với các thành phần tá dược của thuốc.

– Giảm huyết áp trầm trọng.

– Tiền sử mạch liên quan đến việc sử dụng trước đó các thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin.

– Phù mạch do di truyền hoặc tự phát.

– Tắc nghẽn rõ rệt về huyết động lực ở đường ra của tâm thất trái (hẹp động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại), hẹp van hai lá hoặc sốc tim.

– Suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp tính (trong 28 ngày đầu tiên dùng thuốc).

– Cơn đau thắt ngực không ổn định (ngoại trừ chứng đau thắt ngực Prinzmetal).

– Mang thai và thời kỳ cho con bú.

Tương tác thuốc:

Tương tác liên quan tới lisinopril:

– Các thuốc tác động tới hàm lượng kali:

Những thuốc lợi niệu giữ kali (ví dụ spironolacton, amiloride và triamterene), chất bổ sung kali, hoặc các chất thay thế muối có chứa kali, và các chất khác có thể làm tăng hàm lượng kali (ví dụ heparin) có thể gây tăng kali huyết khi phối hợp với thuốc ức chế ACE, đặc biệt là ở người bệnh suy thận và người sẵn có các bệnh khác.

Nếu thuốc có ảnh hưởng tới hàm lượng kali được kê đơn với lisinopril, cần giám sát thường xuyên nồng độ kali huyết thanh. Việc sử dụng đồng thời với lisinopril cần được cân nhắc cẩn thận và thực hiện thận trọng đi cùng với giám sát thường xuyên nồng độ kali huyết thanh và chức năng thận.

– Các thuốc lợi niệu: sự phối hợp này có tác dụng hiệp đồng và có thể làm hạ huyết áp quá mức. Lisinopril làm tăng tác dụng bài tiết kali niệu của các thuốc lợi niệu.

– Các thuốc chống tăng huyết áp khác: khi phối hợp với Lisonorm có thể làm hạ huyết áp quá mức. Sử dụng đồng thời với glyceryl trinitrate và các nitrate khác hoặc các chất gây giãn mạch khác sẽ làm giảm thêm huyết áp.

– Các thuốc chống trầm cảm ba vòng/thuốc chống loạn thần/thuốc gây mê/thuốc gây nghiện phối hợp với thuốc ức chế ACE: có thể làm hạ huyết áp quá mức.

– Rượu làm tăng tác dụng hạ huyết áp.

– Allopurinol, procainamide, các thuốc ức chế miễn dịch hoặc kìm tế bào (corticosteroid đường toàn thân) có thể làm tăng nguy cơ giảm bạch cầu khi dùng cùng thuốc ức chế ACE.

– Các thuốc kháng acid làm giảm sinh khả dụng của thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin.

– Các thuốc cường giao cảm có thể làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của thuốc ức chế ACE; cần giám sát người bệnh cẩn thận để chắc chắn rằng tác dụng mong muốn đã đạt được.

– Các thuốc chữa trị tiểu đường: các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy các thuốc chữa tiểu đường (insulin, các thuốc giảm glucose huyết dùng đường uống) khi dùng cùng thuốc ức chế ACE có thể làm tăng tác dụng hạ glucose huyết kèm nguy cơ giảm glucose huyết. Hiện tượng này có nhiều khả năng xảy ra trong các tuần đầu tiên của điều trị phối hợp và ở người bệnh suy thận.

– Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): dùng NSAID lâu dài, bao gồm acid acetylsalicylic liều cao hơn 3 g/ngày có thể làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của các thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin.

Các NSAID và các thuốc ức chế ACE có tác dụng hiệp đồng cộng lên mức tăng kali huyết thanh và gây hư hại chức năng thận. Các tác dụng này thường phục hồi được. Hiếm khi gặp suy thận cấp, đặc biệt ở các bệnh nhân có suy giảm chức năng thận như người cao tuổi và người bị mất nước.

– Lithium: Sự bài tiết lithium có thể giảm khi phối hợp với thuốc ức chế ACE, vì vậy, cần theo dõi mức lithium huyết thanh.

Tương tác liên quan tới amlodipine:

– Các chất ức chế CYP3A4: nghiên cứu trên người bệnh cao tuổi cho thấy diltiazem ức chế sự chuyển hóa của amlodipine, thông qua xúc tác của CYP3A4 (nồng độ trong huyết tương tăng tối đa 50% và tác dụng của amlodipine sẽ tăng). Cũng không loại trừ khả năng các chất ức chế CYP3A4 (ví dụ ketoconazole, itraconazole, ritonavir) có thể làm tăng nồng độ amlodipine huyết thanh hơn so với tác dụng ức chế của diltiazem và cần thận trọng khi dùng phối hợp.

– Các chất gây cảm ứng CYP3A4: Phối hợp với các thuốc chống co giật (ví dụ carbamazepin, phenobarbital, phenytoin, fosphenytoin, primidone), rifampicin, các thảo dược chứa St.John’s wort/Hypericum perforatum) có thể làm giảm nồng độ amlodipine huyết thanh. Theo dõi lâm sàng cho thấy cần phải điều chỉnh liều amlodipine trong quá trình điều trị với các chất gây cảm ứng CYP3A4 và sau khi ngừng thuốc. Cần thận trọng khi phối hợp.

– Các chất khác: trong đơn trị liệu, amlodipine được dùng an toàn cùng với thuốc lợi niệu thiazide, thuốc ức chế beta, thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin, các nitrat tác dụng bền, nitroglycerin đặt dưới lưỡi, digoxin, warfarin, atorvastatin, sildenafil, thuốc kháng acid (gel hydroxide nhôm, magnesi hydroxide, simeticone), cimetidine, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc kháng sinh và thuốc hạ đường huyết đường uống.

Tác dụng phụ:

Chóng mặt

Nhức đầu

Đánh trống ngực

Ho

Nôn

Ngứa

Chú ý đề phòng:

Hạ huyết áp triệu chứng:

Do tác dụng làm giảm huyết áp đáng kể, nên có thể xảy ra hạ huyết áp triệu chứng ở người bệnh bị thiếu hụt thể tích và/hoặc mất natri do dùng thuốc lợi niệu, hoặc mất dịch do những nguyên nhân khác như toát mồ hôi nhiều, nôn và/hoặc tiêu chảy kéo dài. Nếu có hạ huyết áp, cần đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa và nếu cần thì bù dịch qua tĩnh mạch (truyền tĩnh mạch nước muối sinh lý).

Thông thường nên bù nước và/hoặc natri trước khi bắt đầu điều trị với Thuốc. Phải theo dõi mức độ làm giảm huyết áp của thuốc sau khi cho dùng liều khởi đầu.

Người bệnh hẹp động mạch chủ và van hai lá, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn:

Giống như mọi thuốc gây giãn mạch, phải thận trọng khi dùng Thuốc cho người bệnh bị tắc nghẽn đường ra của thất trái và hẹp van hai lá.

Khi suy chức năng thận:

Một số người bệnh tăng huyết áp nhưng không có biểu hiện bệnh mạch thận đã bị tăng urê máu và tăng creatinine huyết thanh, thường nhẹ và thoáng qua, đặc biệt khi dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin cùng với thuốc lợi niệu. Đặc biệt, hiện tượng này gặp ở bệnh nhân đã bị suy thận.

Ở một số người bệnh hẹp động mạch thận hai bên hoặc hẹp động mạch thận ở người chỉ còn một thận mà dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin, đã gặp tăng urê máu và creatinine huyết thanh, thường hồi phục sau khi ngừng dùng thuốc, đặc biệt hiện tượng này hay gặp ở người bệnh suy chức năng thận. Để xác định liều duy trì tối ưu cho người suy chức năng thận, người bệnh cần được chuẩn độ liều riêng rẽ với lisinopril và amlodipine, và phải theo dõi chức năng thận. Chỉ được dùng Thuốc cho những người bệnh đã được chuẩn độ liều duy trì tối ưu là 10 mg lisinopril và 5 mg amlodipine.

Nếu chức năng thận bị hư hại, cần ngừng dùng Thuốc và thay thế bằng liệu pháp với từng thành phần riêng rẽ được chuẩn độ liều đầy đủ. Cũng có khi cần giảm liều và/hoặc ngừng dùng thuốc lợi niệu.

Phù mạch:

Trong thời gian dùng các thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin, bao gồm lisinopril, có thể gặp phù mạch ở mặt, tứ chi, lưỡi, môi, thanh môn và/hoặc thanh quản. Khi gặp những triệu chứng trên đây, cần ngừng Thuốc ngay và tiếp tục theo dõi người bệnh cho đến khi các triệu chứng đã qua khỏi hoàn toàn.

Nếu chỉ có phù ở mặt, môi và tứ chi thì có thể tự hết; tuy nhiên, có thể dùng các thuốc kháng histamin để làm giảm triệu chứng.

Phù mạch đi kèm với phù thanh quản có thể gây tử vong. Nếu phù ở lưỡi, thanh môn hoặc thanh quản hoặc có nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở, người bệnh cần được cấp cứu ngay. Các biện pháp thích hợp bao gồm tiêm dưới da 0,3-0,5 mg adrenaline (epinephrine) hoặc tiêm tĩnh mạch chậm 0,1mg adrenaline, sau đó dùng thêm glucocorticoid và kháng histamin, đồng thời theo dõi các chức năng sống.

Các thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin gây ra tỷ lệ phù mạch cao hơn ở những người bệnh da đen so với những người bệnh không phải là người da đen.

Phù ruột hiếm gặp ở những người bệnh điều trị bằng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin. Các đối tượng này bị đau bụng (đi cùng hoặc không đi cùng với nôn và buồn nôn); trong một số trường hợp không có phù mạch ở mặt từ trước và mức C-1 esterase bình thường. Phù mạch được chẩn đoán bằng các phương pháp bao gồm CT scan hoặc siêu âm hoặc khi phẫu thuật và các triệu chứng sẽ qua khỏi sau khi ngưng dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin. Phù mạch ruột cần được chẩn đoán phân biệt ở những người bệnh dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin mà bị đau bụng.

Phản ứng phản vệ ở người bệnh đang được thẩm tách lọc máu:

Đã gặp sốc phản vệ ở người bệnh được điều trị bằng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin trong thời gian thẩm tách lọc máu bằng màng polyacrylonitrile (ví dụ AN 69). Vì vậy, cần tránh kết hợp trị liệu này và có thể lựa chọn, hoặc dùng một loại màng thẩm tách khác, hoặc dùng một loại thuốc chống tăng huyết áp khác.

Phản ứng phản vệ trong quá trình gạn tách lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL):

Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin trong thời gian gạn tách LDL-cholesterol bằng dextran sulphate hiếm khi gặp phản ứng phản vệ đe dọa tính mạng. Có thể tránh được các phản ứng này bằng cách tạm thời ngừng dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin trước mỗi lần gạn tách.

Giải mẫn cảm nọc ong/côn trùng có cánh:

Đôi khi xảy ra phản ứng phản vệ ở người bệnh dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin trong thời gian giải mẫn cảm nọc của bọ cánh màng (ví dụ ong, côn trùng có cánh). Có thể tránh phản ứng đe dọa tính mạng này bằng cách tạm ngừng dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin.

Độc với gan:

Rất hiếm gặp ở người bệnh được dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin có các triệu chứng như vàng da, ứ mật hoặc viêm gan và hoại tử tiến triển đột ngột và đôi khi tử vong. Cơ chế của triệu chứng này chưa được hiểu rõ. Bệnh nhân nào dùng Thuốc mà có triệu chứng vàng da hoặc tăng enzym gan rõ rệt cần ngừng dùng Thuốc và theo dõi y tế.

Suy gan:

Thời gian bán thải của amlodipine kéo dài ở người bệnh suy gan. Vì không có khuyến cáo liều thích hợp, cần thận trọng cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ có thể có trước khi dùng Thuốc cho người bệnh suy gan.

Độc với máu:

Rất hiếm gặp giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu và thiếu máu ở bệnh nhân được dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin. Những người bệnh có chức năng thận bình thường và không có các yếu tố khác gây biến chứng sẽ rất hiếm gặp giảm bạch cầu trung tính. Giảm bạch cầu trung tính và mất bạch cầu hạt có thể phục hồi được sau khi ngừng dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin. Cần dùng Thuốc rất thận trọng cho người bệnh có bệnh mạch collagen, người được điều trị ức chế miễn dịch, dùng allopurinol hoặc procainamide hoặc phối hợp các yếu tố gây biến chứng này, đặc biệt khi sẵn có suy thận. Một số người bệnh kể trên sẽ bị nhiễm khuẩn nặng và trong lúc nào đó không đáp ứng được với kháng sinh liệu pháp.

Nếu Thuốc được dùng cho những đối tượng này, phải kiểm tra định kỳ số lượng tế bào bạch cầu và người bệnh cần thông báo cho bác sĩ mọi dấu hiệu nhiễm khuẩn.

Ho:

Triệu chứng ho thường được thông báo ở người bệnh được dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin. Đặc điểm chung là ho không tăng sinh nhưng dai dẳng và khỏi ho khi ngừng điều trị.

Ho do thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin cần được coi là một phần của chẩn đoán phân biệt về ho.

Phẫu thuật/gây mê:

Ở người bệnh phải qua đại phẫu hoặc trong thời gian gây mê bằng chất gây mê có khả năng bị hạ huyết áp, lisinopril có thể ức chế sự tạo thành angiotensin II thứ phát do phóng thích renin bù trừ. Nếu nghi ngờ hạ áp xảy ra theo cơ chế này, có thể khắc phục bằng cách bù dịch.

Người bệnh cao tuổi:

Nếu tuổi cao đi kèm với giảm chức năng thận, cần điều chỉnh liều Thuốc như cho người bệnh suy thận.

Tăng kali huyết:

Có gặp tăng mức kali huyết thanh ở người bệnh được dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin. Đối tượng có nguy cơ phát triển tăng kali huyết bao gồm người bệnh suy thận, đái tháo đường, suy tim mất bù cấp tính, mất nước, nhiễm acid chuyển hóa hoặc dùng đồng thời với thuốc lợi niệu giữ kali, các chất bổ sung kali hoặc các chất thay thế muối chứa kali hoặc mọi thuốc kéo theo tăng mức kali huyết thanh (như heparin). Nếu cần dùng đồng thời với các chất nêu trên, thì cần thường xuyên giám sát mức kali huyết thanh.

Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy: Thuốc có thể ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc (nhất là vào thời gian đầu sử dụng thuốc).

LÚC CÓ THAI VÀ LÚC NUÔI CON BÚ

Mang thai:

Không nên dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin cho phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ và chống chỉ định dùng các thuốc này ở quý hai và quý ba của thai kỳ.

Chưa có các bằng chứng bệnh học liên quan tới nguy cơ gây quái thai khi dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, không loại trừ có tăng nguy cơ nhẹ. Dùng thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin trong quý hai và quý ba của thai kỳ có thể gây độc cho thai người (suy chức năng thận, ít nước ối, chậm cốt hóa sọ mặt) và độc với trẻ sơ sinh (suy thận, hạ huyết áp ở bào thai, tăng kali huyết).

Mặc dù đã có số thuốc nhóm dihydropyridine gây quái thai trên động vật thử nghiệm, nhưng những nghiên cứu sử dụng amlodipine trên chuột cống và thỏ không cho thấy có bằng chứng gây quái thai. Tuy nhiên chưa có kinh nghiệm lâm sàng nào về việc sử dụng amlodipine cho người mang thai. Do đó, cần chống chỉ định amlodipine trong thời gian mang thai.

Hiện chưa có nghiên cứu lâm sàng có kiểm soát thích hợp để rút ra kinh nghiệm sử dụng Thuốc cho người mang thai. Vì thế, chống chỉ định dùng Thuốc cho người mang thai.

Nếu chẩn đoán có thai, cần ngừng dùng Thuốc ngay. Với bệnh nhân dự định mang thai, cần thay Thuốc bằng liệu pháp điều trị cao huyết áp khác đã được chứng minh là an toàn để sử dụng cho người mang thai.

Thời kỳ cho con bú:

Không dùng Thuốc cho người mẹ trong suốt thời kỳ cho con bú vì lisinopril được tiết vào sữa mẹ. Chưa rõ sự bài tiết của amlodipine vào sữa mẹ.

Thông tin thành phần Amlodipine

Dược lực:

Amlodipin có tác dụng chống đau thắt ngực, chống tăng huyết áp, chất đối kháng kênh calci.

Dược động học :

Sau khi uống amlodipin được hấp thu chậm và gần như hoàn toàn ở đường tiêu hóa. Sự hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được 6-12 giờ sau khi uống. Sinh khả dụng từ 64-80%. Thể tích phân phối khoảng 20l/kg. Amlodipin liên kết 95-98% với protein huyết tương. Trong gan thuốc được chuyển hóa chủ yếu thành những chất chuyển hóa bất hoạt. 10% thuốc chưa chuyển hóa và 60% chất chuyển hóa bất hoạt được bài tiết theo nước tiểu. Sự thải trừ thuốc theo hai pha, thời gian bán thải cuối cùng trung bình là 35-50 giờ. Hàm lượng thuốc trong huyết tương ở trạng thái ổn định đạt được sau 7-8 ngày dùng thuốc liên tục.

Vì amlodipin được hấp thu tốt sau khi uống nên sự phân phối thuốc rất rộng trong cơ thể. Tuy nhiên, sự thải trừ thuốc chậm dẫn đến tác dụng kéo dài, nên amlodipin thích hợp cho liều dùng một lần/ngày.

Ở những người bệnh cao huyết áp liều một lần/ngày amlodipin làm giảm huyết áp tới mức độ có ý nghĩa lâm sàng hơn 24 giờ ở tư thế nằm lẫn thế đứng. Tác dụng này xuất hiện chậm vì thế không cần dự kiến sự hạ huyết áp nhanh.

Trong chứng đau thắt ngực thuốc làm tăng sức chịu đựng khi gắng sức của bệnh nhân, làm giảm tần suất những cơn đau thắt ngực và nhu cầu dùng nitroglycerin.

Thuốc không có tác dụng chuyển hóa có hại, không ảnh hưởng đến lipid huyết tương. Thuốc dùng được cho những người bệnh suyễn, tiểu đường và gút.

Tác dụng :

Hoạt chất của thuốc này, amlodipin, là một chất đối kháng calci thuộc nhóm dehydropyridin. Thuốc ức chế dòng calci đi qua màng vào tế bào cơ tim và cơ trơn của thành mạch máu bằng cách ngăn chặn những kênh calci chậm của màng tế bào. Nhờ tác dụng của thuốc mà trương lực cơ trơn của các mạch máu (các tiểu động mạch) giảm, qua đó làm giảm sức kháng ngoại biên kéo theo hạ huyết áp.

Thuốc có tác dụng chống đau thắt ngực chủ yếu bằng cách giãn các tiểu động mạch ngoại biên và giảm hậu tải tim. Sự tiêu thụ năng lượng và nhu cầu oxygen của cơ tim giảm vì thuốc không gây phản xạ nhịp tim nhanh. Người ta nghĩ rằng thuốc làm giãn mạch vành (các động mạch và tiểu động mạch), cả ở vùng bình thường lẫn vùng thiếu máu. Sự giãn mạch vành làm tăng cung cấp oxygen cho cơ tim.

Chỉ định :

Dùng một mình để điều trị cao huyết áp, hoặc nếu cần, có thể phối hợp với thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc chẹn bêta hoặc thuốc ức chế men chuyển.

Ðiều trị thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực ổn định hoặc đau thắt ngực vận mạch (Prinzmetal). Thuốc có thể dùng một mình hoặc phối hợp với những thuốc chống đau thắt ngực khác, hoặc dùng trong các trường hợp kháng với nitrat và/hoặc thuốc chẹn bêta.

Liều lượng – cách dùng:

Trong điều trị cao huyết áp lẫn đau thắt ngực liều khởi đầu thông thường là 5mg một lần/ngày, có thể tăng đến liều tối đa 10mg một lần/ngày tùy theo đáp ứng của từng người bệnh.

Liều amlodipin không thay đổi, ngay cả khi phối hợp với các thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc chẹn bêta hoặc thuốc ức chế men chuyển.

Chống chỉ định :

Quá mẫn cảm với những dẫn xuất dihydropyridin. Trẻ em (thiếu những kinh nghiệm thích hợp).

Tác dụng phụ

Amlodipin thường được dung nạp tốt. Trong những nghiên cứu lâm sàng có kiểm chứng thu nhận những người bệnh cao huyết áp hoặc đau thắt ngực, những tác dụng phụ thường gặp nhất là nhức đầu, phù, mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, đau bụng, cơn bừng đỏ, hồi hộp và choáng váng. Trong những nghiên cứu lâm sàng này không có những thay đổi đáng kể về mặt lâm sàng trên những xét nghiệm thường qui do dùng thuốc.

Trong quá trình dùng rộng rãi amlodipin, ngoài những tác dụng phụ nói trên còn gặp thay đổi hoạt động tiêu hóa, đau khớp, suy nhược, khó thở, khó tiêu, tăng sản lợi, chứng to vú đàn ông, bất lực, tiểu tiện nhiều lần, thay đổi tính khí, đau cơ, ngứa, nổi mẩn, loạn thị giác, hiếm gặp hồng ban đa dạng.

Rất hiếm gặp vàng da-chủ yếu liên quan đến ứ mật – hoặc tăng enzym gan. Trong vài trường hợp phải nhập viện, nhưng quan hệ nhân quả gần như không chắc chắn.

Cũng như với những thuốc chẹn kênh calci khác, rất hiếm gặp những tác dụng phụ sau đây và không thể phân biệt được với bệnh cơ bản: nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim (kể cả nhịp tim nhanh thất và rung nhĩ), đau ngực.

Thông tin thành phần Lisinopril

Dược lực:

Hoạt chất lisinopril thuộc nhóm ức chế enzym chuyển đổi angiotensin, thuốc làm giảm hàm lượng angiotensin II và aldosteron trong huyết tương.Nhờ tác dụng của thuốc, sức kháng mao mạch ngoại biên giảm, cung lượng tim có thể tăng, nhịp tim không đổi, lưu thông máu qua thận có thể tăng.

Dược động học :

– Hấp thu: Tác dụng hạ huyết áp của Lisinopril bắt đầu khoảng 1 giờ sau khi dùng và đạt tối đa sau 6 giờ. Thời gian tác động khoảng 24 giờ, tùy thuộc vào liều đã dùng. Tác dụng của Lisinopril cũng được duy trì khi điều trị lâu dài. Trong trường hợp ngừng thuốc đột ngột, không có sự tăng vọt huyết áp (tác dụng phản hồi). Sau khi uống, lisinopril được hấp thu dưới dạng không đổi, không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

– Phân bố: Lisinopril không liên kết với protein huyết tương ngoại trừ với enzym chuyển đổi angiotensin.

– Chuyển hoá: Thuốc không bị chuyển hóa trong cơ thể.

– Thải trừ: thuốc được thải trừ theo đường thận. Thời gian bán tích lũy hiệu quả là 12 giờ.

Tác dụng :

Lisinopril là thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin và là một dẫn chất lysin có cấu trúc tương tự enalapril với tác dụng kéo dài. Enzym chuyển angiotensin là enzym nội sinh có vai trò chuyển angiotensin I thành angiotensin II. Angiotensin I tăng trong một số bệnh như suy tim và bệnh thận, do đáp ứng với tăng renin. Angiotensin II có tác dụng kích thích tăng trưởng cơ tim, gây to tim và ác dụng co mạch gây tăng huyết áp.

Thuốc ức chế enzym chuyển làm giảm nồng độ angiotensin II và aldosteron do đó làm giảm ứ Na+ bà nước, làm giãn mạch ngoại vi, giảm sức cản ngoại vi ở cả đại tuần hoàn và tuần hoàn phổi. Ngoài ra thuốc còn ảnh hưởng tới hệ kallikrein-kinin làm giảm sự phân huỷ bradykinin, dẫn đến tăng nồng độ bradykinin, đây chính là nguyên nhân chính gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn gây phù mạch và ho kéo dài của các thuốc ức chế enzym chuyển.

Lisinopril làm giảm hậu gánh và giảm căng thành mạch ở thì tâm thu, làm tăng cung lượng tim và chỉ số tim, làm tăng sức co bóp của tim và tăng thể tích tâm thu. Làm giảm tiền gánh và giảm căng thành mạch tâm trương. Thuốc được chỉ định dùng cho người giảm chức năng tâm thu nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của suy tim. Lisinopril là một trong những thuốc chuẩn trong điều trị người bệnh nhồi máu cơ tim.

Lisinopril làm chậm suy thận trong bệnh thận do đái tháo đường.

Chỉ định :

Tăng huyết áp (dùng đơn trị liệu và trong phối hợp thuốc). Ðiều trị phụ trợ suy tim.

Liều lượng – cách dùng:

Trong cả 2 chỉ định, nên uống thuốc vào buổi sáng. Vì sự hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn, nên có thể dùng thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn.

Tăng huyết áp vô căn:

Liều khởi đầu hàng ngày cho các bệnh nhân không dùng các thuốc chống tăng huyết áp khác là 10mg. Liều duy trì thông thường là 20mg, có thể tăng đến liều tối đa 40mg/ngày, tùy theo sự đáp ứng huyết áp. Nếu liều này không đủ, có thể kết hợp Lisinopril với các thuốc chống tăng huyết áp khác. Ðể đạt được tác dụng chống tăng huyết áp hoàn toàn, cần phải dùng thuốc từ 2-4 tuần, lưu ý đến điều này khi tăng liều. Ở các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc lợi tiểu, phải ngừng thuốc lợi tiểu 2-3 ngày trước khi dùng liệu pháp lisinopril. Nếu không thể ngừng thuốc lợi tiểu được, liều khởi đầu lisinopril không nên quá 5mg. Trong trường hợp này, sau khi dùng viên nén đầu tiên, nên theo dõi kỹ bệnh nhân trong vài giờ (tác dụng tối đa đạt được trong khoảng 6 giờ), vì hạ huyết áp triệu chứng có thể xảy ra.

Ở các bệnh nhân tăng huyết áp do mạch thận hoặc trong bất cứ trường hợp nào khác có sự tăng hoạt động của hệ renin-angiotensin-aldosterone, cũng đều phải dùng liều khởi đầu nhỏ 2,5-5mg, dưới sự kiểm tra đặc biệt (huyết áp, chức năng thận, hàm lượng kali máu). Liều duy trì – tiếp tục theo dõi thêm – nên được tăng dần tùy theo đáp ứng của huyết áp.

Ở các bệnh nhân suy thận – liên quan đến sự thải trừ lisinopril qua thận – liều khởi đầu được xác định theo độ thanh thải creatinin, kế đến liều duy trì được tăng dần theo sự đáp ứng huyết áp, ngoài ra phải kiểm tra thường xuyên chức năng thận, hàm lượng natri và kali máu.

Suy tim:

Ðiều trị lisinopril có thể được phối hợp với thuốc lợi tiểu hoặc digitalis. Nếu có thể, liều thuốc lợi tiểu nên giảm trước khi bắt đầu dùng lisinopril. Liều khởi đầu hàng ngày là 2,5mg có thể tăng dần đến liều duy trì 5-10mg. Không nên tăng liều cao hơn 20mg.

Chống chỉ định :

Ðã biết mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Có tiền sử phù thần kinh mạch với các thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin. Phụ nữ có thai và cho con bú. Dùng trong khoa nhi (chưa có đủ các số liệu để chứng minh hiệu quả và an toàn của thuốc).

Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ hiếm khi nặng đến mức phải ngừng điều trị.

Các tác dụng phụ thường gặp nhất là chóng mặt, nhức đầu (trong 5-6% bệnh nhân), mệt mỏi, tiêu chảy, ho khan (3% trường hợp), buồn nôn, nôn, hạ huyết áp thế đứng, nổi mẩn, đau ngực (1-3% trường hợp).

Tần suất các tác dụng không mong muốn đều ít hơn 1%.Phản ứng quá mẫn có thể phát triển dưới dạng phù thần kinh mạch của mặt, tứ chi, môi, lưỡi, nắp thanh quản hoặc khí quản (ở 0,1% trường hợp). Ở những bệnh nhân này, phải ngừng thuốc ngay và theo dõi chặt chẽ cho đến khi biến mất triệu chứng hoàn toàn. Nếu phù chỉ khu trú trên mặt, môi, tứ chi; thì thường sẽ tự giảm, mặc dù dùng các thuốc kháng histamin có thể hữu ích. Phù thần kinh mạch phối hợp với phù phế quản có thể gây tử vong. Khi có những vấn đề liên quan đến lưỡi, nắp thanh quản hoặc thanh quản có khuynh hướng làm tắc đường hô hấp, nên dùng các liệu pháp thích hợp ngay: dùng adrenalin 0,1% (epinephrin) với lượng 0,3-0,5ml (0,3-0,5mg) tiêm dưới da hoặc 0,1ml (0,1mg) tiêm tĩnh mạch chậm, rồi sau đó dùng glucocorticoid, thuốc kháng histamin.
Lưu ý: Dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ

Nguồn tham khảo drugs.com, medicines.org.uk, webmd.com và azthuoc.com tổng hợp.

Nội dung của AZThuoc.com chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về Thuốc Lisonorm và không nhằm mục đích thay thế cho tư vấn, chẩn đoán hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc phòng khám, bệnh viện gần nhất để được tư vấn. Chúng tôi miễn trừ trách nhiệm y tế nếu bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Cần tư vấn thêm về Thuốc Lisonorm bình luận cuối bài viết.

Previous articleThuốc Eutelsan 20
Next articleThuốc Egilok
Dược Sĩ TS Lucy Hoa là người đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược lâm sàng. Tiến sĩ Lucy Hoa nguyên là Giảng viên bộ môn Dược lâm sàng tại Đại học Dược Hà Nội. Hiện tại, Tiến sĩ Lucy Hoa là Phó Tổng Giám đốc tại AZThuoc. Tiến sĩ Lucy Hoa tốt nghiệp Dược sĩ cao cấp tại Đại học Dược Hà Nội; bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ tại Đại học Dược Hà Nội và Thạc sĩ Dược lâm sàng tại Đại học Tổng hợp Nam Úc. Năm 2011, Tiến sĩ Lucy Hoa đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Dược lâm sàng tại Đại học Dược Hà Nội. AZ thuốc trang thông tin thuốc và sức khỏe uy tín, Tổng hợp thông tin các dòng thuốc từ A – Z. Chúng tôi là một đội ngũ Dược sĩ, chuyên gia tư vấn sức khỏe, Đã có nhiều năm kinh nghiệm về y dược.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here